Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 01/2023

I. Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với viên chức chuyên ngành công tác xã hội

Ngày 12/12/2022, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH ban hành Thông tư 26/2022/TT-BLĐTBXH quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành công tác xã hội.

       Theo đó, từ ngày 28/01/2023, bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của viên chức chuyên ngành công tác xã hội ở các chức danh nghề nghiệp sau:

       – Công tác xã hội viên chính;

      – Công tác xã hội viên;

      – Nhân viên công tác xã hội.

      Tuy nhiên, viên chức chuyên ngành công tác xã hội phải có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm.

      Thông tư 26/2022/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 28/01/2023 và thay thế Thông tư liên tịch 30/2015/TTLT-BLĐTBXH-BNV.

II. Điều kiện đầu tư kinh doanh trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh

Đây là nội dung tại Nghị định 101/2022/NĐ-CP ngày 08/12/2022 quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng, vũ khí quân dụng, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh, có hiệu lực từ ngày 30/01/2023.

       Theo đó, doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh được đầu tư kinh doanh trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

        – Có vốn điều lệ tối thiểu là 100 tỷ đồng tại thời điểm đề nghị tham gia đầu tư nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh;

       – Có quy trình, công nghệ, thiết bị, phương tiện để nghiên cứu, sản xuất, chế tạo, sửa chữa trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh; có trang thiết bị đo lường để kiểm tra, giám sát các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng sản phẩm;

       – Khu vực sản xuất, khu vực phụ trợ, khu vực thử nghiệm, kho, khu cất giữ, bảo quản trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh được bố trí riêng biệt và thiết kế, xây dựng đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, phòng chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành;

        – Có ít nhất 50 lao động kỹ thuật có trình độ chuyên môn phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh;

       – Được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ hoặc lựa chọn qua thủ tục đấu thầu.

III. Quy định về chế độ ăn, nghỉ của phạm nhân trong trại giam quân sự

Ngày 06/12/2022, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 89/2022/TT-BQP về Nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân.

        Theo đó, chế độ ăn, nghỉ của phạm nhân trong trại giam quân sự được quy định như sau:

       – Phạm nhân phải ăn đúng thời gian và nơi quy định, giữ gìn vệ sinh, an toàn thực phẩm.

       Phạm nhân có tiền gửi lưu ký tại cơ sở giam giữ phạm nhân được sử dụng đăng ký mua lương thực, thực phẩm để ăn thêm nhưng không được quá 03 lần định lượng trong 01 tháng cho mỗi phạm nhân và đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt, học tập của cá nhân theo quy định của cơ sở giam giữ phạm nhân.

       Phạm nhân khi cần tương trợ vật chất lẫn nhau thì phải đề nghị và được sự đồng ý của cán bộ có trách nhiệm.

      – Phạm nhân phải nằm đúng vị trí đã được quy định trong buồng giam; ngủ, nghỉ đúng giờ; giữ gìn vệ sinh cá nhân, buồng giam và những nơi công cộng.

      Thông tư 89/2022/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 25/01/2023 và thay thế Thông tư 132/2012/TT-BQP.

IV. Sửa đổi danh mục hồ sơ cử đi học nước ngoài

Đây là nội dung tại Thông tư 18/2022/TT-BGDĐT sửa đổi Quy chế tuyển sinh đi học nước ngoài kèm theo Thông tư 06/2016/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 30/01/2023.

        Theo đó, Thông tư 18/2022/TT-BGDĐT đã bãi bỏ 4 loại giấy tờ có số thứ tự 5, 6, 7, 8 của Danh mục hồ sơ cử đi học tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 06/2016/TT-BGDĐT.

      Như vậy, danh mục hồ sơ cử đi học nước ngoài từ ngày 30/01/2023 bao gồm:

      – Bản dịch hợp lệ văn bản thông báo tiếp nhận chính thức của cơ sở giáo dục nước ngoài trong đó có đầy đủ thông tin về bậc học, ngành học, thời gian học, thời Điểm nhập học, mức học phí, bảo hiểm y tế và các loại phí bắt buộc khác liên quan đến khóa học; thông báo về học bổng hoặc hỗ trợ tài chính của cơ sở giáo dục hoặc cơ quan/tổ chức/chính phủ nước ngoài đã cấp (nếu có);

      – Văn bản của phía nước ngoài đồng ý tiếp nhận đi học diện Hiệp định (đối với ứng viên trúng tuyển học bổng Hiệp định).

      – Bản sao hợp lệ chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh, Pháp hoặc ngoại ngữ khác đạt yêu cầu về Điểm (hoặc trình độ) theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của cơ sở giáo dục nước ngoài.

     – Giấy khám sức khỏe (có thời hạn sử dụng 06 tháng kể từ ngày cấp) của cơ sở y tế có thẩm quyền xác nhận đủ Điều kiện về sức khỏe để đi học nước ngoài kèm theo các bản xét nghiệm không nhiễm HIV, viêm gan B, lao hoặc các bệnh truyền nhiễm khác (theo yêu cầu của nước sẽ đến học hoặc nhà tài trợ); kết quả xét nghiệm không có thai (đối với ứng viên nữ).

     – Bản cam kết thực hiện nghĩa vụ của lưu học sinh (theo mẫu tại Phụ lục III).

    – Các giấy tờ khác theo quy định của từng chương trình học bổng (nếu có).